Bà con nên lưu ý bệnh Newcastle khi chăn nuôi chim cút
Một trong số những dịch bệnh truyền nhiễm mãn tính nguy hiểm nhất đối với các loại gia cầm hiện nay đó chính là bệnh Newcastle. Đây là căn bệnh gây nên tỉ lệ chết rất cao trong chăn nuôi gia cầm ( lên đến 50%). Bệnh gây hại cho mọi độ tuổi ở gia cầm. Đối với chim cút, loại gia cầm khá nhỏ và khá yếu ướt, căn dịch bệnh này thực sự rất đáng nguy hại. Do đó trong chăn nuôi, bà con nên hết sức lưu ý, phải có những biện phấp phòng chống và xử lí trước và sau khi có dịch. Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu kĩ hơn về chủng bệnh này trên chim cút để hỗ trợ thêm kiến thức và thông tin cho người chăn nuôi.
Nguyên nhân
Bệnh Newcastle hay còn gọi là bệnh gà rù là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh do virus Newcastle gây nên.Virus xâm nhập cơ thể gây nhiễm trùng huyết, tỷ lệ tử vong cao. Chim cút bị bệnh newcastle tỷ lệ chết thường 100%.
Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường vào mùa xuân hoặc thu bùng phát mạnh. Bệnh có thể lây lan qua nước bọt và phân của những con chim cút bị bệnh; truyền sang những con chim khỏe mạnh thông qua đường ăn và thức uống, dụng cụ hoặc không khí.
Triệu chứng
Bệnh diễn biến theo 3 thể:
Thể quá cấp tính: Bệnh tiến triển nhanh, chết trong 25 – 48 giờ. Biểu hiện chung (không rõ rệt) như: bỏ ăn, suy sụp, xù lông, gục đầu, sốt, khó thở…
Thể cấp tính: Chim yếu, ủ rũ, ăn ít sau bỏ ăn, thích uống nước, lông xù, sã cánh đứng rù hoặc nằm một chỗ; Da tím tái, xuất huyết hay thủy thũng mồng và yếm chim, có nhiều dịch nhờn chảy ra từ mũi và mỏ; Khó thở, thở khò khè; Diều sưng, tiêu chảy phân lẫn máu màu phân trắng xám mùi tanh. Sản xuất trứng giảm, vỏ trứng mềm, trứng trắng tăng, phân xanh hoặc trắng, rối loạn thần kinh, khó thở, chảy nước mũi, xệ cánh, chim mắc bệnh 2 – 4 ngày rồi chết.
Thể mãn tính: Thường xảy ra sau đợt dịch. Chim bị lệch đầu, liệt chân, đầu mỏ gục xuống, mất thăng bằng, có khi quay vòng tròn. Chim chết do rối loạn hô hấp, thần kinh, kiệt sức.
Bệnh tích
Mổ ra thấy các điểm xuất huyết rõ trong dạ dày và ruột, buồng trứng. Khi mổ kiểm tra nội tạng dạ dày bị tuyến xung, xung huyết, có nốt loét xuất huyết; ruột mỏng chứa hơi tích nước và có thể bị xung huyết, xuất huyết.
Nếu là chim cút cái thì có thêm biểu hiện teo buồng trứng và kém phát triển; các tế bào trứng bị thoái hóa, méo mó, nhiều tế bào bị viêm, tế bào xơ phát triển; làm liên kết của buồng trứng bị dày lên. Chim cút mái đẻ trứng non, vỏ mềm, màu nâu đen khác hoàn toàn so với trứng cút bình thường.
Phòng bệnh
Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu do đó tiêm phòng vaccine; và phòng bệnh là biện pháp hạn chế bệnh hiệu quả nhất. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho chim chim cút như: Ðảm bảo chuồng nuôi thoáng mát, có ánh nắng chiếu vào. Thức ăn phải đủ chất dinh dưỡng, không ẩm mốc. Nước uống phải sạch và được thay thường xuyên. Ðịnh kỳ vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng Formalin 2 – 3%, Iodine 0,5% hoặc Cloramin T 0,5 – 2%… Toàn bộ nền và tường chuồng nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng tốt; ngăn ngừa tiếp xúc với động vật gặm nhấm, gián và các loài chim hoang dã.
Khi có bệnh xảy ra cần cách ly chim ốm để điều trị; phun thuốc sát trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi liên tục 2 – 3 lần trong tuần đầu. Chuồng nuôi phải để nguyên trạng, phun thuốc sát trùng và ủ trong 5 – 7 ngày. Hạn chế ra vào trại, thực hiện quét dọn, thu gom và tiêu hủy phân rác, chất độn chuồng. Rửa sạch chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, để khô sau đó phun thuốc sát trùng 2 lần, cách nhau 10 – 15 ngày bằng các dung dịch sau: Nước vôi tôi 10%, Formalin 2 – 3%, Crezin 5%. Bổ sung các chất dinh dưỡng bổ trợ để tăng cường sức đề kháng cho đàn chim cút.
Vaccine phòng bệnh newcaslte
Sử dụng vaccine Lasota để phòng bệnh cho chim cút nhỏ mắt, mũi và cho uống; đối với chim cút dưới 2 tháng tuổi, nên dùng 2 lần mỗi lần cách nhau 14 – 21 ngày. Nếu chim cút trên 2 tháng tuổi thì tiêm vaccine phòng bệnh newscatle. Khi chim non được 5 – 7 ngày sử dụng vaccine phòng bệnh lasota nhỏ hoặc uống. Hoặc tiêm vaccine newcastle II để tăng khả năng miễn dịch.
Khi cho chim cút uống vaccine thì trước tối hôm đó không cung cấp nước cho chim gây ra cơn khát, vào buổi sáng bắt đầu cung cấp nước với vaccine hòa với nhau cho chim cút trong vòng 2 giờ. Ba ngày trước và sau khi sử dụng vaccine phòng ngừa, người nuôi cần chú ý chế độ dinh dưỡng cân bằng các acid amin và vitamin để duy trì khả năng kháng bệnh mạnh cho đàn chim cút.
Điều trị bệnh
Hiện không có thuốc đặc trị cho bệnh này, do đó khuyến cáo người nuôi cần tuân thủ; nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vaccine để giảm 90% nguy cơ mắc bệnh. Khi phát hiện chim bị bệnh, cần phải cách ly ngay; và tiến hành vệ sinh chuồng trại và khử trùng, tiêm vaccine phòng bệnh ngay cho đàn chim. Đối với con chim cút bị chết, tiến hành tiêu hủy chim bệnh; tránh để lây lan ra môi trường xung quanh. Bổ sung điện giải, Vitamin C cho đàn chim để tăng sức đề kháng.
Nguồn: Tapchigiacam.vn