Trong hầu hết những loại gia cầm được lựa chọn chăn nuôi ở các vùng nông thôn nước ta hiện nay thì ngan khá được ưa chuộng. Vì Ngan là giống thịt có khả năng sinh trưởng cũng như phát triển khá nhanh. Lượng thức ăn tiêu tốn thấp. Thêm vào đó thì, ngan lại có tỷ lệ nuôi sống khá cao. Đặc biệt bộ lông phát triển bình thường. So với giá trị kinh tế với các loại thương phẩm khác thì Ngan là loài gia cầm có sự ổn định giá trong nhiều năm liền mà chưa hề rớt giá. Chính vì thế hôm nay mình sẽ chia sẻ đến bạn kỹ thuật nuôi ngan, đặc biệt là đối với ngan con mới nở. Với kỹ thuật nuôi ngan con mới nở dưới đây sẽ phần nào giúp bạn nắm được các bước tổng quan cơ bản để có thể chăm sóc ngan mới nở được hiệu quả hơn.
Kỹ thuật nuôi ngan con (từ 1 đến 84 ngày tuổi)
Kỹ thuật chọn ngan con
Nguyên tắc là chọn ngan nở đúng ngày (ngày thứ 34 và 35), khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, lông bông, mắt sáng, có màu sắc lông tơ đặc trưng của giống. Loại bỏ hết các con có khuyết tật: khoèo chân, hở rốn, khô chân, bết lông, quá nhỏ,…
Chuẩn bị chuồng nuôi, vật tư cần thiết
Chuồng nuôi:
Trước khi đưa ngan vào nuôi, chuồng cần được vệ sinh, khử trùng chu đáo bằng
formalin (Formol) 0,05% và được quét vôi trước 3-5 ngày, cần được sưởi ấm 4-5 giờ. Nơi nuôi cần đảm bảo khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Vật tư cần thiết:
– Cót quây: Nhất thiết trong những ngày đầu phải quây ngan trong các quây cót có chiều cao 0,5m, chiều dài 4,5m với 70-100 ngan/quây.
– Bóng điện: Sử dụng bóng 100W để thắp sáng và sưởi ấm. Mùa hè 1 bóng/quây; mùa đông 2 bóng/quây. Thời gian thắp sáng 24/24 giờ trong 2 tuần đầu. Các tuần sau 20 giờ/ngày.
– Khay ăn: có thể bằng tôn, cao 2m, rộng 40cm, dài 60cm đảm bảo cho 25-30 ngan con/khay.
– Máng uống: Đảm bảo cung cấp nước sạch cho 25-30 ngan/máng.
Các điều kiện nuôi dưỡng
Nhiệt độ:
Được cấp bằng nguồn từ lò sưởi hoặc bóng điện đảm bảo nhiệt trong quây: Tuần 1 là 32-350C, tuần 2 là 30-320C, tuần 3 là 28-300C, tuần 4 là 26-280C.
Mật độ:
Trong giai đoạn 1-28 ngày tuổi: 25 con/m2, giai đoạn 29-84 ngày tuổi: 7-10 con/m2.
Chất độn chuồng:
Có thể sử dụng trấu, phoi bào, rơm, cỏ khô để độn chuồng
Thức ăn:
Với nuôi thâm canh: ở những tuần đầu thức ăn bảo đảm năng lượng trao đổi 2750 – 2800kcal/kg và 18-19% protein thô. Tỷ lệ phối trộn nên 70% thức ăn tinh hỗn hợp dạng viên. Và 30% thóc tẻ bỏ trấu ( gạo lật)cho ngan giai đoạn 1-28 ngày tuổi.
Với nuôi bán chăn thả: có thể sử dụng các loại thức ăn như nuôi thâm canh, tuy nhiên có thể sử dụng các loại nguyên liệu sẵn có của địa phương như đỗ tương rang chín , khô đỗ tương, giun, gạo ở giai đoạn nhỏ và thóc tẻ ở các tuần tuổi lớn hơn.
Vệ sinh chăn nuôi:
Cần thiết 2-3 lần/ngày thay chất độn chuồng, đảm bảo có chất độn chuồng khô cho đàn ngan
Kỹ thuật nuôi ngan hậu bị (85 – 165 ngày tuổi)
Kỹ thuật chọn ngan hậu bị
Chọn từ đàn ngan con khoẻ mạnh, không mắc bệnh, đạt tỷ lệ nuôi sống cao (92-95%). Giai đoạn này các con được chọn phải chéo cánh, ngoại hình đẹp, bộ lông mượt, ngan mái đạt 1,1-1,9kg (ngan nội); 1,8-2,2kg (ngan Pháp) ở 77 ngày tuổi; ngan trống 2,9-3,0kg với ngan nội; 3,5-4,0kg với ngan pháp lúc 88 ngày tuổi.
Với con trống phải chọn những con dáng hùng dũng, có gai giao cấu rõ nét, lỗ huyệt không viêm. Đối với ngan mái chọn những con nhanh nhẹn, chân vững vàng, lỗ huyệt ướt, bụng mềm, phần hông nở nang, Thông thường tỷ lệ này là 75% với ngan mái và 55% với ngan trống.